Mùa hè Cái đê

Tác giả: Elizabeth Enright
| |
ISBN: 978-604-9831-20-1
115,000₫

Mùa Hè Cái Đê vừa như là một lời rủ rê vào hè, vừa là tên gọi của một mùa hè đặc biệt. Mùa hè ấy, cô nhỏ Garnet nhặt được cái đê tay, rồi sau đó thì những chuyện bất ngờ hết lần này đến lần khác đổ ập xuống đầu cô. Một tập truyện nhẹ nhõm như hơi thở, kể về những niềm hạnh phúc nhỏ bé và đơn giản của cuộc sống thường nhật, trong vắt đi.

Hotline hỗ trợ : 0363430966
|

Thưa quý độc giả!

Elizabeth Enright (1907-1968), nữ văn sĩ người Mĩ sinh ra ở Oak Park, bang Illinois. Kế thừa truyền thống gia đình khi cả bố và mẹ đều là họa sĩ (chuyên vẽ minh họa cho tạp chí và truyện tranh), bà cũng đã lựa chọn công việc vẽ tranh minh họa. Nhưng sau khi cho ra đời tác phẩm đầu tiên vào năm 1935, bà đã tự tạo riêng cho mình một phong cách sáng tác, và nhanh chóng khẳng định tài năng đặc biệt. 
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Elizabeth Enright đã giành được nhiều giải thưởng danh giá: Huân chương John Newbery (thường được gọi tắt là Huân chương Newbery) năm 1939 với tác phẩm Thimble Summer (Mùa hè cái đê), Giải thưởng Newbery Honor năm 1958 với tác phẩm Gone-Away Lake. Những cuốn truyện thiếu nhi của bà thường được đông đảo bạn đọc nhiệt thành đón nhận, trong số đó có The Saturdays xuất bản năm 1941. Bà còn viết nhiều truyện ngắn dành cho người lớn xuất bản trên Tạp chí New Yorker, Tạp chí Ladies Home, Cosmopolitan, Tạp chí Yale, Harper’s, và The Saturday Evening Post. Các tác phẩm của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên toàn thế giới.
Quả thực, Mùa hè cái đê chỉ riêng tựa đề của cuốn sách đã chẳng hề dễ hiểu. Có vẻ như, phàm là các tác phẩm đoạt giải thường không phải thể loại dễ đọc với nhiều độc giả. Trên thực tế, giới chuyên môn luôn có những tranh cãi bất tận về các giải thưởng văn học, trong đó có giải Newbery. Chủ tịch  Hiệp hội Thư viện dành cho Trẻ em của Mĩ Pat Scales đã nói: “Tiêu chí đánh giá để trao giải chưa bao giờ là tính đại chúng. Ưu tiên hàng đầu là chất lượng văn học. Thử hỏi có bao nhiêu người lớn đã đọc tất cả các cuốn sách đạt giải Pulitzer và ... thích được tất cả các cuốn đó?”


Sau hơn ba năm hoạt động, với bốn mươi mốt đầu sách đã ấn bản, đây là lần thứ hai Kẹp Hạt Dẻ giới thiệu tới độc giả thiếu nhi Việt Nam cuốn sách đã được trao giải thưởng danh giá này (Cuốn đầu tiên là Làn Khói - Con Ngựa Chăn Bò do dịch giả Vũ Danh Tuấn chuyển ngữ). Bằng tất cả sự nỗ lực và tình yêu dành cho trẻ em, dịch giả đã cố gắng chuyển ngữ Thimble Summer với tên gọi Mùa hè cái đê một cách hấp dẫn nhất, lôi cuốn nhất để các bạn đọc nhỏ tuổi có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của một tác phẩm có giá trị văn học. 
Câu chuyện lấy bối cảnh là cuộc sống bình dị của cô bé Garnet Linden, chín tuổi rưỡi, ở một trang trại vùng Wisconsin nước Mĩ những năm 1930, thời kì Đại khủng hoảng. Vào một buổi tối, trong khi đi tắm sông, cô bé tìm thấy một cái đê bạc dưới lòng sông khô cạn gần trang trại nhà mình. Tình hình hạn hán khốc liệt đã đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của những người làm nông. Viễn cảnh ảm đạm mất mùa, đói kém… hiển hiện trước mắt họ. Khi tìm thấy cái đê bạc, cô bé luôn tin rằng nó sẽ mang lại những phép màu kì diệu. Và trên thực tế, rất nhiều chuyện may mắn đã nối tiếp nhau xảy ra: Tình trạng hạn hán chấm dứt, gia đình Linden được Chính phủ cho vay tiền để xây dựng lại chuồng trại, chú lợn của Garnet giành được dải ruy băng xanh tại hội chợ, và cậu thiếu niên mồ côi Eric lạc đường vô tình gặp được gia đình Linden, rồi trở thành một thành viên trong gia đình ấy. Chính Eric là người đã khơi gợi cho Garnet khao khát được trải nghiệm những cuộc phiêu lưu chưa từng có trong trí tưởng tượng của cô bé.


Những năm 1930 là khoảng thời gian vô cùng khó khăn không chỉ của nước Mĩ. Rất nhiều đầu sách ra đời trong thời gian đó đều viết về những điều cực kì ảm đạm của thời kì này như Đức quốc xã hay Đại khủng hoảng. Nhưng trong Thimble Summer (Mùa hè cái đê) thì dường như cuộc sống của gia đình người nông dân ấy lại chẳng quá bi thảm (dù rằng phần đầu câu chuyện kể về chuyện hạn hán và nguy cơ mất mùa, khủng hoảng tài chính... là có thật). Và rồi, Mẹ Thiên nhiên không còn muốn thử thách khả năng chịu đựng của con người nên cuối cùng đã chịu mang mưa đến: “Mưa vẫn tuôn ràn rạt cả đêm, át cả tiếng máng nước xối rào rào. Nước chảy thành dòng ở mái hiên, lá cây rào rạt, xào xạc. Nước nhỏ từ gian áp mái xuống bồn rửa tạo nên những tiếng tinh tinh như thể tiếng chuông nhỏ reo đều đều”. Cuộc sống của cô bé Garnet với tưng bừng hội chợ, vui vẻ đọc sách ở thư viện, những rộn ràng ngày mùa, hàng xóm giúp nhau thu hoạch mùa màng... thật là sảng khoái. Nhiều người sẽ cố quên đi quãng thời gian khó khăn ấy, nhưng với Garnet đó sẽ mãi là mùa hè nóng bỏng đáng ghi nhớ. 
Sự tài tình của Elizabeth Enright là ở chỗ bà đã lựa chọn những tình tiết rất xác đáng để vẽ nên bức tranh đa sắc màu về thế giới của một đứa trẻ, khiến độc giả đắm chìm vào cuộc sống vùng thôn quê nước Mĩ những năm 1930. Góc nhìn sắc sảo với những hiểu biết sâu sắc về tâm lí trẻ thơ đã giúp bà nhận diện được rõ ràng và chính xác về những điều tưởng chừng rất nhỏ bé và dung dị, nhưng lại mang đến niềm hạnh phúc to lớn cho cuộc sống thú vị của một đứa trẻ. Và tất cả những điều đó được biến hóa trong những câu từ cuốn hút đến kinh ngạc.
Dường như độc giả bị lôi cuốn vào những cuộc phiêu lưu tưởng chừng như đơn giản của Garnet mà không hiểu tại sao. Để có được điều đó, tác giả đã biết lựa chọn những lát cắt đáng yêu trong cuộc sống bình dị thường ngày nơi thôn quê, khiến bất kì ai cũng sẽ tự hoài niệm về mùa hè ở một vùng quê yên bình, cho dù họ có thực sự được trải nghiệm hay không. Cuộc phiêu lưu của một cô bé con khi dám một mình quá giang đến thị trấn lân cận, rồi vô tình bị nhốt trong thư viện, tham dự hội chợ địa phương… - tất cả những chi tiết đó không phải mới, chưa từng xuất hiện trong các cuốn tiểu thuyết khác, nhưng chúng trở nên thú vị và lôi cuốn là bởi cách Elizabeth Enright mô tả chúng. 
Tác giả xây dựng hình ảnh Garnet là một cô bé dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra những quyết định táo bạo, luôn sống tích cực và tràn đầy hi vọng, khiến người đọc không thể không thích cô bé, và sẵn sàng dõi theo bước chân cô trong mọi hành trình. Sự cuốn hút của cô bé đối với những người xung quanh được thể hiện rõ nét qua tình cảm của các nhân vật trong câu chuyện dành cho cô: Citronella, cô bạn thân có tính cách gần như trái ngược với Garnet nhưng vẫn luôn dành thời gian cho cô; ông Freebody, người hàng xóm lâu năm và thân thiết của nhà Linden, luôn dõi theo Garnet từng bước chỉ bởi luôn mong cô được an toàn và hạnh phúc; hay Jay, anh trai của Garnet và ngay cả Eric, đứa trẻ mồ côi được số phận đưa đẩy đến với nhà Linden dường như cũng có cảm tình đặc biệt với Garnet, tất cả những điều đó khiến người đọc càng bị cô bé tomboy này thu hút hơn.


Elizabeth Enright với lối viết ẩn dụ và cách sử dụng câu chữ tài tình đã khiến câu chuyện của cô bé Garnet với cuộc sống nông trại đơn giản trở nên vô cùng sống động và hấp dẫn. Cảnh bức bối do hạn hán kéo dài được mô tả không thể ấn tượng hơn: “Không khí ngột ngạt khiến con người ta có cảm giác như bị nhốt ở trong một cái trống khổng lồ, mà tấm da chính là bầu trời, bịt chặt lên thung lũng. Chiều đến, sấm ùng ục khắp trời, như thể có ai đó vung dùi gõ dồn dập vào mặt trống. Rồi mây ùn ùn kéo về, chớp nhằng nhịt tứ phía, bức bối xé toang bầu trời, nhưng mưa thì tuyệt nhiên không chịu rơi dù chỉ một giọt”. Hay những từ ngữ vô cùng sinh động tả đàn lợn nhà Linden: “Lũ lợn con lít nhít với đôi tai mềm và to bản, bàn chân bé xíu, nom như đang đi giày cao gót. Lợn mẹ Nữ Hoàng lăn như một cơn sóng lúc triều lên, khiến lũ lợn con tóe ra kêu xoe xóe”. Nếu không có cái nhìn hết sức tinh tế, làm sao tác giả có thể mô tả những hiện tượng quen thuộc ở các vùng thôn quê thú vị như thế này: “Trời nóng đến nỗi, cây nến trên giá oằn hẳn xuống. Garnet nắn vuốt cho thẳng, châm nến rồi mang lên gác. Thấy ánh sáng, lũ sâu bướm đêm ùa vào cửa sổ, va vào cửa kính, rơi xuống rào rào, rồi lại loe ngoe những cẳng chân mỏng mảnh, cố sức leo lên. Lũ côn trùng nhỏ hơn, len lỏi qua khe cửa nhỏ chui được vào trong phòng, thi nhau lao chối chết về phía ngọn nến, cháy xèo xèo”. Những câu văn nhẹ nhàng như hơi thở, thấm đẫm tình yêu thiên nhiên: “Đây đó trong thung lũng, văng vẳng tiếng bồ câu gù như hơi thở hồi sinh của thung lũng vừa qua đợt nắng hạn tưởng như bất tận.


Garnet nhác thấy một con rắn nhỏ trườn như sợi ruy băng qua đám dương xỉ ẩm ướt, một con sâu sũng nước chật vật leo lên cây hoa vàng, và một con ốc sên kế đó đang động đậy, như thể đang thích thú nhâm nhi những hạt sương”. 
Lối sử dụng hình ảnh so sánh của Elizabeth Enright quả thực rất tài tình, thể hiện trí tưởng tượng phong phú và biệt tài nhìn mọi việc dưới lăng kính trẻ thơ: “Sau vài trận mưa no nê, vườn rau lên mướt mát. Những quả dưa hấu trông như thể lũ cá voi xanh trong biển lá, còn vạt ngô bên sườn đồi nom chẳng khác nào đoàn quân duyệt binh, với đám cờ bông phần phật trong gió”, hay như “Đám cào cào, châu chấu thấy động bay ràn rạt vào mặt con bé buốt như tàn lửa”. Chắc hẳn các độc giả nhí sẽ bật cười khoái chí khi đọc những câu mô tả cảnh bác tài xế xe buýt thể hiện tay lái điêu luyện: “Xe phóng như đốt đường, leo lên đồi, lao xuống dốc, vào cua bằng hai bánh, và dường như cột điện thoại bên đường cũng phải bỏ chạy như hươu cao cổ bị săn đuổi. Lũ chim đậu trên hàng rào ngơ ngác, rồi bay tóe lên, gió rít vù vù”, nhất là cảnh cô bé bị nhẵn túi, vừa đói bụng, vừa đau chân vì đi một đôi giày chật trong chuyến phiêu lưu đầu đời: “Trông bộ dạng nó nhăn nhó lê bước thất thểu với tay nải quà, y hệt một bà già vừa đi thăm đứa cháu không còn yêu mình nữa”.


Thimble Summer (Mùa hè cái đê) thật sự là một câu chuyện vui và thú vị. Cuộc sống mùa hè của Garnet ở vùng thôn quê là những phiêu lưu mà đám trẻ thành phố ao ước được trải nghiệm: được đi tắm sông, tham gia làm các công việc ở trang trại, nuôi riêng cho mình một chú lợn con để rồi mang đi thi thố trong hội chợ địa phương… Rồi một đêm vô tình bị nhốt trong thư viện cùng với cô bạn thân Citronella. Đặc biệt là những trải nghiệm thú vị của Garnet trong chuyến phiêu lưu trốn nhà đi quá giang đến New Conniston, những nhân vật mà cô bé đã gặp trong chuyến đi ấy có phong cách khá kì quặc với những câu đối thoại dí dỏm chắc hẳn sẽ đem lại không ít tiếng cười cho các độc giả nhí. 
Thimble Summer (Mùa hè cái đê) có một chương đoạn kể về cụ Eberhardt của Citronella với tâm điểm là câu chuyện của cụ xảy ra đúng dịp cụ sinh nhật mười tuổi. Có vẻ như chương đoạn này không có sự gắn kết chặt chẽ với logic của câu chuyện, nhưng trên thực tế thì “câu chuyện ngày xưa tội lỗi” ấy của cụ Eberhardt lại vô cùng thú vị và lôi cuốn. 


Có thể nói Thimble Summer (Mùa hè cái đê)  là một cuốn sách không hấp dẫn một cách ồn ã, mà sẽ thu hút những độc giả thích chiêm nghiệm và hướng nội nhiều hơn. Mặc dù Garnet luôn miệng nhắc đến phép màu khi nhặt được cái đê bạc ngay từ phần đầu và khi kết thúc câu chuyện, nhưng điều đó không có nghĩa là cô bé có một niềm tin mù quáng vào phép lạ. Với lối nói ẩn dụ của mình, Elizabeth Enright muốn khích lệ lối sống tích cực với cái nhìn lạc quan vào cuộc sống, đặc biệt là thời kì đó nước Mĩ đang trải qua giai đoạn cực kì khó khăn. Trong cuộc sống, chỉ cần bạn luôn lạc quan, luôn giữ vững niềm tin và không dễ dàng bị khuất phục - cái gì cần đến rồi sẽ đến - đó có lẽ chính là thông điệp ý nghĩa nhất mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả.  


Gấp lại trang sách cuối của Thimble Summer (Mùa hè cái đê), bạn có ước “Giá như mình có thể được lớn lên trong một trang trại ở Wisconsin vào những năm 1930!” để được hòa mình trong những ngày mùa rộn ràng, nơi chan chứa tình người giản dị và ấm áp, “nơi yên bình chỉ có tiếng bò rống trầm đục, tiếng gà quang quác, và tiếng dế nỉ non”. Nếu con bạn đang tìm kiếm một cuốn sách để lạc lối trong đó vào mùa hè này, mời bạn hãy quay ngược thời gian, quay trở lại một thời rất xưa, khi cuộc sống còn vô cùng đơn giản, khi muốn làm ấm dạ dày bằng một chiếc xúc xích nóng bạn chỉ cần tiêu tốn đồng một xu, và cùng nhau rong chơi lang thang trong các phiên hội chợ với bao trò vui thú… Chỉ khi ấy bạn mới có thể cảm nhận được trọn vẹn niềm hạnh phúc bình dị mà lại khiến ngôn từ bất lực của cô bé Garnet đáng yêu: “Garnet vui khôn tả, một thứ cảm xúc không thể cắt nghĩa được. Con bé cảm thấy mình cần hết sức thận trọng để thứ hạnh phúc dâng trào và ngây ngất ấy không bị sánh ra... 


Giờ thì niềm hạnh phúc của con bé đã vượt mọi giới hạn. Garnet cảm thấy mình sắp nổ tung và nhẹ bỗng. Từng đầu sợi tóc của nó như đang hát giai điệu của những con sơn ca”.


Công ty TNHH Kẹp Hạt Dẻ trân trọng giới thiệu đến độc giả câu chuyện chân thực về cuộc sống vùng thôn quê Wisconsin yên bình nhưng rất sống động, qua bản chuyển ngữ tiếng Việt của dịch giả Vũ Danh Tuấn: MÙA HÈ CÁI ĐÊ (2019).

Tên tác phẩm gốc

Thimble Summer

Tác giả

Elizabeth Enright

Dịch Giả

Vũ Danh Tuấn (Roger Vu)

Nhà xuất bản liên kết

NXB Lao Động

Số trang

180

Khổ giấy

13.5×20.5 cm

Ngày Phát hành

6/2019

Sản phẩm đã xem

-%
0₫ 0₫