Từ thuở hồng hoang cho tới ngày nay, loài người đã trải qua vô vàn những biến thiên dâu bể, hay đúng hơn, đó là một quá trình đấu tranh, khám phá, chế ngự và chinh phục thiên nhiên, để dần đưa con người đến gần hơn với thế giới văn minh như ta đã thấy.
Nhãn quan về trái đất của chúng ta sẽ ra sao nếu không có những nhà thám hiểm?
Thưa quý vị.
Có hai thứ luôn hấp dẫn óc tò mò của con người, bất luận là trẻ em hay người lớn.
Một là biển cả mênh mông.
Hai là đại ngàn thăm thẳm.
Những nhà văn chuyên viết các tác phẩm văn chương phiêu lưu mạo hiểm thường lấy không gian ấy làm bối cảnh cho câu chuyện của mình. Và nữ văn sĩ Ann Weil (1908 - 1969) cũng không ngoại lệ. Một trong những tác phẩm của bà đã giành được giải thưởng Newbery Honor năm 1953 - Tác phẩm Red Sails to Capri (Hang Xanh).
Hang Xanh là tên một địa danh nổi tiếng nằm ở phía tây nam nước Ý, nhưng cuốn truyện cùng tên mà quý vị đang cầm trên tay không đơn thuần nói về điểm đến du lịch. Đó không phải một cuốn sách thám hiểm thuần túy, bởi nội dung của nó còn thuyết phục bạn đọc rằng, ở thời nào cũng vậy, chỉ khi có tình yêu đủ lớn với cái đẹp, và dựa trên nền tảng tri thức, chúng ta mới chinh phục được cái đẹp.
Sau một loạt các tác phẩm về loài vật và gần đây nhất là một số tác phẩm về người mà Kẹp Hạt Dẻ đã giới thiệu với quý vị, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của độc giả ở mọi lứa tuổi trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những phản hồi đó khiến chúng tôi vô cùng cảm kích và là động lực thôi thúc chúng tôi chuyển tải nhiều hơn nữa sự đa dạng và phong phú về nội dung, chủ đề trong các tác phẩm mà Kẹp Hạt Dẻ sẽ phát hành...
Đó là lí do Hang Xanh, một tác phẩm về chủ đề phiêu lưu mạo hiểm do nhà văn - dịch giả Vũ Danh Tuấn tâm đắc chuyển ngữ ra đời, để đáp lại một phần nhỏ thịnh tình mà quý vị đã ưu ái dành cho chúng tôi trong suốt những năm qua.
Thưa quý vị.
Trở lại hai thứ luôn hấp dẫn óc tò mò của chúng ta, như đã nói ở trên, trong Hang Xanh có cả hai. Núi trên đảo và biển cả xanh biếc mênh mông. Trong con mắt của Michele, nhân vật chính trong tác phẩm này, thì hòn đảo nơi cậu sống quả thực là một ngọn núi. Cho dù ngư phủ Angelo có gọi nơi đây là đảo, nhưng cậu thiếu niên mười bốn tuổi vẫn coi đó là một ngọn núi ôm trọn một ngôi làng vào lòng.
Nhắm mắt lại, độc giả cũng có thể cảm nhận và hình dung ra được khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tráng lệ nơi đây. Một hòn đảo giữa biển cả mênh mông.
Câu chuyện mở đầu với sự xuất hiện bất ngờ của một chiếc thuyền với cánh buồm đỏ thắm trên mặt biển biếc xanh. Michele đột nhiên nhìn thấy nó khi cậu đang trò chuyện cùng với Angelo, người bạn vong niên của mình. Ba người đàn ông xuất hiện trên thuyền và sau đó đến trọ ở nhà của Michele, đều rất đặc biệt: Lord Derby - họa sĩ người Anh đến Capri (hòn đảo nơi họ vừa đặt chân lên) để kiếm tìm cái đẹp; Herre Erik Nordstrom - một sinh viên người Đan Mạch say mê đọc sách triết học, và Jacques Tiersonnier - một nhà văn người Pháp thích phiêu lưu mạo hiểm.
Họ, ba người với ba tâm thế khác nhau khi viễn du tới Capri nhưng lại có chung một niềm đam mê, hay đúng hơn là nỗi khao khát tìm kiếm những điều duy mĩ trong cuộc sống. Và chuyến thám hiểm đặc biệt này đã làm thay đổi không chỉ cuộc sống của gia đình cậu bé Michele, mà cả vùng Capri rộng lớn...
Chuyến phiêu lưu mở đầu bằng sự xuất hiện của ba người và kết thúc trong biển người trên đảo. Hang Xanh của Capri xuất hiện từ trong huyền thoại và cuối cùng bước ra từ sự thật.
Câu chuyện được kể nhẹ nhàng nhưng hàm chứa một thông điệp sâu xa. Con người, cho dù là cá nhân hay cộng đồng muốn vượt qua nỗi sợ hãi hay định kiến nào đó phải dám đối mặt với sự thật và dũng cảm đi tìm sự thật.
Giống như họa sĩ Derby đã không quản đường xa núi cao để vẽ nên bức tranh đẹp.
Giống như Nordstrom, chàng sinh viên say mê phương pháp tìm kiếm sự thật trong các cuốn sách triết học đã vùi đầu vào sách mỗi ngày để tìm kiếm chân lí.
Và giống như Jacques, luôn muốn đi đến tận cùng sự bí ẩn của thiên nhiên, dù phải đương đầu với khó khăn, nguy hiểm.
Nhẹ nhàng và bình thản, Ann Weil dắt độc giả bước vào đời sống của từng nhân vật theo lối miêu tả khá cổ điển, nhưng dường như bà đã dùng một thứ keo kết dính đặc biệt mang tên tình cảm để các nhân vật hòa quyện với nhau một cách hoàn hảo. Angelo, một ngư phủ như bao ngư phủ khác ở Capri, với vẻ ngoài bất cần luôn coi mọi thứ chỉ là trò đùa, nhưng ẩn chứa bên trong lại là một trái tim dũng cảm, một tâm hồn bao dung, vô cùng nhân hậu. Chỉ có điều Angelo sẽ mãi mãi chỉ là một ngư phủ đơn điệu, buồn tẻ với công việc chài lưới nếu tác giả không đặt cạnh ông hình bóng Michele, cậu bé hiếu thuận, vị tình... Và Michele cũng sẽ chẳng khiến độc giả đi đến những cao trào của sự xúc động nếu thiếu đi sự song hành của người bạn thân Pietro, cậu bé chăn cừu nghèo khó, nhưng thủy chung son sắt với tình bạn của mình. Pietro sẵn sàng từ bỏ chuyến đi mơ ước đã được chuẩn bị từ sáu tháng trước để ở lại cùng Michele khi bạn cậu không thể cùng đi. Có thể nói, Angelo, Michele, Pietro chính là hiện thân cho vẻ đẹp của sự chân thành trong tình bạn.
Chẳng lẽ, đây chính là điềm rủi đầu tiên của cái vũng bí ẩn vận vào cậu chăng? Michele biết cậu và Pietro luôn là bạn, nhưng từ sau buổi tối hôm nay, tình bạn không thể như trước được nữa. Chẳng lẽ cái giá của cái vũng bí ẩn là một người bạn tâm giao? Michele lên giường nhưng cậu chẳng thể chợp mắt. Cậu miên man nghĩ về hai vị giáo sĩ xấu số, nghĩ về mẹ, rồi tới ba vị khách, nghĩ về bố và về chính bản thân. Cậu lại lẩn mẩn đoán xem, liệu có ai trong số sáu người đi thám hiểm vũng ngày mai giờ này đang còn thao thức? Nhưng Michele nghĩ tới Pietro nhiều nhất. Cậu không chịu nổi cái giá quá đắt ấy cho chuyến thám hiểm.
Ann Weil đã thành công khi khéo léo gỡ mọi nút thắt, rồi đẩy chúng lên thành cao trào đúng vào thời điểm vàng. Nhưng, dường như cái cách mà bà dung hòa giữa phiêu lưu và lãng mạn trong tác phẩm mới chính là một yếu tố góp phần làm cho tác phẩm trở nên vô cùng cuốn hút. Sự lãng mạn đó được nữ văn sĩ xây dựng qua nhãn quan của các nhân vật khi nói về cuộc sống, về cái đẹp... Cái đẹp dưới lăng kính của chàng họa sĩ trở nên gần gũi, giản dị như vẻ đẹp tự thân của chúng. Chỉ có cái nhìn sắc sảo và hiểu biết sâu sắc về cuộc sống, một trái tim hết sức nhạy cảm, thì tác giả mới lột tả hình hài của cái đẹp tinh tế đến vậy:
Trên đường về nhà, Michele ngập ngừng hỏi người họa sĩ - Chú Derby - Gì vậy Michele? - Tại sao chú tới nơi đẹp nhất Capri mà lại vẽ một thứ khác thế? - Nơi cậu chỉ quá đẹp! - Quá đẹp? - Đúng thế. Tôi không tin có đủ sắc màu trên thế giới để lột tả hết được cái đẹp ấy. Và chí ít là tôi cũng chẳng đủ tài năng để làm tốt việc đó. Tuy nhiên, tôi không ngại, bởi với vẻ đẹp ấy, ta chẳng cần đến một họa sĩ mới thể hiện được. Nhưng với con dốc bậc thang mà cậu cho là xấu xí thì lại là chuyện khác. Tôi sẽ rất vui nếu khiến cậu thấy được, dù chỉ một chút, vẻ đẹp của nó.
Điều đặc biệt góp phần làm nên dấu ấn riêng của Hang Xanh lại là mẹ của Michele - bà Pagano - nhân vật nữ duy nhất nhưng lại là linh hồn của tác phẩm. Ở phần đầu câu chuyện, bà Pagano luôn mang hình ảnh một người phụ nữ thô ráp, quê kệch, khẩu xà. Nhưng càng đọc, độc giả sẽ ngỡ ngàng khi phát hiện ra rằng, ẩn sau vẻ ngoài thiếu thiện cảm đó, lại là một bà mẹ hết mực yêu thương con, tận tâm với gia đình, và là một người phụ nữ có trái tim nồng hậu với tất cả mọi người. Nhưng có lẽ, điểm đặc biệt nhất của bà Pagano chính là khi ở trong gian bếp, bà là một nghệ sĩ vĩ đại.
- Này chàng bếp ơi, bình tĩnh nha! Khách nhà ta đã đến đâu mà - Tiếng bà Pagano vọng ra, quyện với mùi thức ăn thơm nức. Ông Pagano quay sang nhìn con trai, tủm tỉm - Mẹ con đúng là độc nhất vô nhị - Ông Pagano dừng lại, hắng giọng rồi tiếp tục - Bà ấy nấu nướng bằng công thức chăng? Không hề. Hay là bà ấy ngửi mùi thức ăn để gia giảm? Không nốt. Mẹ con đang thủ thỉ nói chuyện với mớ cá, lại đột ngột cãi nhau với chúng như mổ bò. Xỉ vả thỏa thuê, bà ấy quay sang cưng nựng chúng. Cưng nựng chán chê, mẹ con mới bắt đầu nấu theo một cách đầy ngẫu hứng - Thế là xong món cá, giờ đến bánh mì. Mẹ con sẽ lấy chút bột mì, nhào nặn thật lực đến nhuyễn ra, rồi say mê nặn như một đứa trẻ nghịch đất sét. Michele này, con thử đoán xem, mẹ Pagano nhà mình có bao giờ bỏ đi khi bột mì bắt đầu nở ra không. Không. Tại sao không? Đơn giản chỉ bởi mẹ con không đành lòng để những ổ bánh mì cô đơn, khi chúng đang vất vả chuyển mình thành vàng ruộm. Ôi, những ổ bánh mì cô đơn!
Với bà Pagano - một đầu bếp cực kì tinh tế thì: Nấu ăn là phải chú ý, dành trọn tâm trí và thời gian, phải nhìn chăm chú, khuấy đều tay, trân trọng nâng niu, và nấu bằng cả trái tim mình.
Nhưng có lẽ, hình ảnh bà Pagano trên đại sảnh ở nhà thờ, kiêu hãnh khoác tay Angelo đi xuống thuyền, dũng cảm chui vào Hang Xanh để khẳng định sự thật về cái nơi bí hiểm như bị phù chú mới thực sự làm nên một bà Pagano xuất thần, đưa tác phẩm đến bùng nổ của cao trào và khiến độc giả vỡ oà.
Bên cạnh bà Pagano, không thể không nói đến ông Pagano. Một ông chồng có vẻ hơi nhu nhược nhưng rất yêu thương vợ và luôn tự hào về người bạn đời của mình. Ông là một người cha luôn mang mặc cảm nghèo khó, suýt bật khóc khi không thể cho con đi Naples với bạn dù biết đó là niềm mơ ước của cậu bé suốt sáu tháng trời, chỉ vì thiếu người phụ giúp công việc nhà trọ. Nhưng người cha ấy đã dũng cảm đương đầu với những định kiến truyền đời của người dân trên đảo, mạo hiểm đi tìm sự thật ẩn giấu mà bao thế hệ không ai dám lên tiếng, vì chính bản thân và cũng vì con.
Giờ tôi có cơ hội cho Michele được phiêu lưu mạo hiểm. Đó là tất cả những gì một người cha nghèo có thể cho con, mình ạ, một-cơ-hội-để-được-phiêu-lưu. Michele sẽ trải nghiệm và nhớ mãi. Sau này thằng bé sẽ kể cho con cháu nó, rằng cha ông chúng, Michele, cũng có được một điều gì đó trong cuộc đời đầu tắt mặt tối. Phiêu lưu mạo hiểm sẽ khiến con mình kiêu hãnh vì từng can đảm, để rồi nó sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ và quan trọng hơn. Món quà tôi tặng con chỉ khiêm tốn vậy thôi, nhưng là cả tấm lòng của một người cha.
Hang Xanh kết như người ta hạ màn sân khấu, nhưng sẽ không ai nuối tiếc, bởi Ann Weil đã biến nó thành một sự khởi đầu như có dặt dìu giai điệu.
Và đó là một sự khởi đầu tuyệt đẹp. Từ đông sang tây, từ bắc tới nam, từng tốp nhỏ, tốp lớn, náo nức lũ lượt đổ về chiêm ngưỡng kì quan của tạo hóa. Ngày qua ngày, thủy triều vẫn cần mẫn rút xuống mở cửa hang, rồi dâng lên đóng lại...
Thưa Quý độc giả.
Các tác phẩm phiêu lưu mạo hiểm, khám phá không những hấp dẫn, mà còn giúp ta nâng cao trình độ hiểu biết. Nhu cầu khám phá xuất hiện từ buổi bình minh của loài người. Và bao giờ cũng thế, nó luôn đứng ở tuyến đầu trong việc chinh phục thế giới tự nhiên.
Hang Xanh trong truyện là một địa danh có thật nằm trên hòn đảo Capri ngoài đại dương, nhưng Hang Xanh ấy cũng có thể là cái hang có ngay trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta có dám can đảm vượt qua nỗi sợ hãi thâm căn cố đế và cái nhìn đầy định kiến của những người xung quanh, để đi tới tận cùng sự thật - chân lí hay không? Câu hỏi ấy dường như lại chính là đáp án.
Tuy câu chuyện có bối cảnh cách đây gần hai trăm năm, nhưng đã hoàn toàn thuyết phục bạn đọc ưa khám phá, lịch sử thuộc mọi lứa tuổi trên thế giới. Chúng tôi tin rằng, sau khi đọc tác phẩm, độc giả sẽ có thêm động lực và cảm hứng để đi tìm cái hang của riêng mình.
Công ty TNHH Kẹp Hạt Dẻ trân trọng giới thiệu tới bạn đọc chuyến viễn du thú vị đến hòn đảo Capri xinh đẹp và lãng mạn của đất nước hình chiếc ủng, bên bờ Địa Trung Hải, qua bản chuyển ngữ tiếng Việt của nhà văn - dịch giả Vũ Danh Tuấn.
Từng là một người làm du lịch với đam mê bất tận được đặt chân tới những điểm đến xa xôi, có lẽ chuyến đi tới Blue Grotto - Hang Xanh đã giúp Vũ Danh Tuấn cho ra đời HANG XANH, một bản dịch sống động từ tác phẩm thành công nhất (Red Sails To Capri) của nữ văn sĩ Ann Weil.