Giỏ hàng

Hành trình của sự đọc (1): Tuổi mẫu giáo và đọc suốt đời

https://danviet.vn/chiri-con-cho-mat-na-nhan-nai-chien-thang-nhan-nai-yeu-thuong-7777830266.htm

Vũ Danh Tuấn, dịch giả của hàng chục đầu sách thiếu nhi, người góp phần đưa sách đến gần với các bạn nhỏ Việt Nam hơn, cha của hai đứa trẻ cho rằng, mẫu giáo chính là giai đoạn Vàng của một quá trình đọc suốt đời mà mỗi bố mẹ không nên bỏ qua.

Tết năm nay, tôi mừng tuổi lũ trẻ bằng sách. Bọn trẻ nhận mừng tuổi và ngỡ ngàng, có đứa vui mừng, có đứa thất vọng. Rốt cuộc, có gói ghém đẹp thế nào đi nữa, thì sách vẫn cứ là sách, không thể biến thành những đồng polymer mới cứng cựa nằm trong phong bao sột soạt được.

Tôi nhìn cách chúng ứng xử với quà mừng tuổi, KHÔNG BUỒN, KHÔNG VUI, chỉ thấy rằng đã dấn một chân vào nghề dịch sách cho trẻ con, thôi thì cũng nên dấn nốt cái chân kia, vào việc chung tay cùng các bậc phụ huynh mang sự đọc đến cho chúng. Trong bài này tôi sẽ không đề cập tới văn học Việt Nam, chỉ vì một lẽ: Đó không phải là điểm mạnh của tôi. 

Tôi sẽ bắt đầu từ TUỔI MẪU GIÁO. Hơi xa, nhưng tôi tin đó là tuổi VÀNG để bắt đầu cho một quá trình ĐỌC SUỐT ĐỜI.

Mẫu giáo, tưởng chừng các con còn quá nhỏ để tiếp cận sách nhưng đây chính là giai đoạn Vàng để bắt đầu một quá trình đọc sách suốt đời. Ảnh minh họa: Học sinh trường mầm non Đồng Phú, TP Đồng Hới, Quảng Bình trong ngày hội đọc sách của các con.

Mi Lan, đứa út nhà tôi cũng đang tuổi này, và việc đọc với con bé nhiều khi chỉ là chơi sách. “Đồ chơi” thì nhiều lắm, nhưng gút lại vẫn là mấy thứ sau:

1. Kiến và chim bồ câu (truyện ngụ ngôn của Lev Tolstoy, văn xuôi)
2. Ngụ ngôn La Fontaine (truyện ngụ ngôn Pháp, thơ)
3. Truyện cổ Grim (cổ tích Đức, văn xuôi)
4. Bộ Ehon (sách kĩ năng của Nhật Bản)
5. Một loạt cuốn truyện tranh tiếng Anh

Mấy thứ trên giờ rất dễ mua vì tái bản nhiều lần. Và sách bây giờ, nhất là sách cho trẻ con, chỉ cần tinh ý một chút, thì cũng không phải là khó chọn.

Chuyện ngụ ngon La Fontaine - một trong những cuốn sách được coi là "kinh điển" của các bạn nhỏ.

Tuy nhiên, để chọn được sách phù hợp, các phụ huynh cần lưu ý mấy điều sau.

1. Chọn sách gì? 

- Sách kĩ năng: loại này bây giờ cực đa dạng và phong phú. Cảm giác như đặt một thiếu nữ vào sạp sách kĩ năng, là có thể tự tin nuôi được một đứa trẻ, từ việc ăn uống đến đi vệ sinh. Thế nhưng, một đứa trẻ cần nhiều thứ hơn là nuôi dưỡng, và sách văn học đáp ứng được điều này. Sách kĩ năng nếu có đọc, thì cũng nên lựa những sách có hình vẽ đẹp (tôi sẽ nói ở dưới).

Ehon là một lựa chọn khá tốt cho tuổi từ 0-3 tuổi, sau lứa này tôi nghĩ cần sách nhiều chữ hơn một chút. Nói thế thôi, tôi ưu tiên văn học hơn là kĩ năng. Những kĩ năng cơ bản, trẻ sớm muộn sẽ học được từ bạn và cuộc sống quanh trẻ, còn bồi đắp tâm hồn thì không đơn giản như thế, nhất định phải cần đến sách và thời gian. Sách văn học muôn năm...

- Sách văn học bây giờ cũng nhiều, chia làm 2 loại: Kinh điển và sách mới. Ta chọn loại nào cũng được, cá nhân tôi thấy, tuổi này chưa cần thiết phải đọc có định hướng. Nhưng nếu bạn bối rối trước một rừng sách tranh cho trẻ như hiện nay, thì tôi ưu tiên văn học kinh điển. Bởi lẽ, nó đã được thẩm định qua thời gian, và đã trở thành những mô thức hoặc ẩn dụ trong cuộc sống này.

Đừng sợ kinh điển khó đọc. Có nhiều thứ quen thuộc bạn đã đọc được từ thuở ấu thơ, kinh điển cũng nằm trong số đó đấy.

Đối với trẻ mẫu giáo, sách đơn giản cũng chỉ là một đồ chơi, vì vậy, quan trọng nhất là bé thấy vui khi tiếp cận sách. Ảnh minh họa từ cuốn Kiến và Chim bồ câu.

Những cuốn tôi liệt kê trên kia phù hợp cho bé từ 4-6 tuổi, thậm chí là sau 6 tuổi bé vẫn dùng được. Bây giờ, các truyện cổ tích đã được tách nhỏ ra thành từng cuốn lẻ, biên tập lại lời và vẽ tranh rất đẹp, kích thích thị giác của trẻ.

Nếu rủng rỉnh tí, ta nên mua từng cuốn lẻ như thế, để sau này khi đã hình thành thói quen đọc sách cho con, bé của bạn sẽ dễ dàng cầm cuốn truyện mỏng mà không bị nặng tay. Nếu không, bạn chia lượng sách cần mua ra 2 loại, một loại sách tranh mỏng để ĐỌC CÙNG CON (kiểu tương tác mà tôi sẽ nói ở dưới) và một loại sách tuyển tập để ĐỌC CHO CON NGHE.

Nên cân đối ngôn ngữ cho trẻ, bằng cả thơ, văn xuôi và nhạc. Thơ cần ngắn, tốt nhất là câu 4-5 chữ thôi, để trẻ dễ thuộc. Thơ có vần, nên còn đáp ứng được một phần của nhạc nữa. Ưu tiên những bài đơn giản, dễ hiểu, trong sáng, rồi sau đó mới đến ý nghĩa.

Cô bé quàng khăn đỏ và chó sói - một hình ảnh quen thuộc từ truyện cổ Grimm.

Ngụ Ngôn La Fontaine luôn là lựa chọn đầu tiên của tôi. Đó là cuốn kinh điển tổng hợp được tất cả thế mạnh của thơ, nhạc, truyện cổ tích, các lớp trầm tích văn hoá và cả những kĩ năng ứng xử trong cuộc sống. Đó là cuốn sách đọc nhiều lớp, nhiều lần trong quãng đời của một con người.

Văn xuôi, tôi ưu tiên truyện cổ tích. Nhiều người cho rằng truyện cổ tích nhiều thứ nhạy cảm, man rợ, ác độc…Tôi thì cho rằng cổ tích chắc chắn xuất phát từ đời thực. Ví dụ, Bạch Tuyết và Bảy chú lùn cũng từ bối cảnh một khu hầm mỏ, nơi những người thợ mỏ sống chủ yếu trong hầm lò, không phát triển chiều cao. Thậm chí, đến cả quả táo nửa đỏ nửa trắng bị tẩm độc, cũng do ngộ độc thực phẩm thời bấy giờ.

Bố mẹ có thể đọc cùng con hoặc đọc cho con nghe đều được. Cứ thoải mái lựa chọn những truyện có tính kĩ năng hoặc bài học cuộc sống. Cổ tích (và đồng dao) Việt Nam thì tôi nhớ kha khá nên không mua, nhưng nếu bạn cần thì các nhà sách lúc nào cũng sẵn.

Còn giữa Andersen và Grim thì đương nhiên nên chọn Grim, vừa dễ hiểu vừa thân thiện với trẻ nhỏ hơn nhiều. Andersen cũng là một kì thư đấy, tôi sẽ trở lại với bộ này ở bài viết về tuổi đọc thiếu niên (ở một tút khác).

Ngắn gọn nhất, ngụ ngôn nhất là Kiến Và Chim Bồ Câu, cuốn kinh điển dưới gối của bao thế hệ cha mẹ. Đại văn hào nước Nga Lev Tolstoy đã dịch/chuyển dịch từ truyện ngụ ngôn của Aesop (Ê-dốp) – “con người sung sướng” nhất Hy Lạp bởi “hiểu” được tiếng nói của thiên nhiên và muôn loài. Trong đó chứa đựng nhiều tiếng cười, có tiếng cười nhẹ nhàng vui vẻ của những ứng xử thường nhật, có tiếng cười chế giễu lòng tham lam, và có cả tiếng cười ngăn ngừa thói hư tật xấu…

Thế cũng hòm hòm rồi đấy nhẻ. Các bé đã có đủ thơ, nhạc và văn xuôi; có đủ ngụ ngôn, cổ tích và đồng dao. Giờ chỉ còn lại việc bạn sẽ trút yêu thương vào đám thơ nhạc, cổ tích, ngụ ngôn đó như thế nào mà thôi.

2. Chọn sách như thế nào?

- Nhất định phải chọn sách thật, nói không với sách lậu, sách giả. Dưới 6 tuổi là giai đoạn hình thành màu sắc, ngôn ngữ của trẻ, sách thật kiểm duyệt rất kĩ bảng màu, hình vẽ và ngôn ngữ. Tin tôi đi, sách lậu có thể rẻ hơn 20%, nhưng nó sẽ làm đứa trẻ phát triển chậm đi 200%, hoặc hơn.

- Nên chọn sách tranh. Màu sắc cần trung thực, hình vẽ cần đẹp. Với trẻ dưới 3 tuổi, các mảng màu nên lớn và là màu cơ bản, hình vẽ ít nét và đơn giản. Dưới 3 tuổi, mắt trẻ chưa đủ để phân biệt các màu lai và các hình nhiều nét. Tôi luôn muốn trẻ mẫu giáo được tiếp xúc với hình vẽ có tính nghệ thuật càng nhiều càng tốt. Ảnh chụp chỉ ghi lại sự mô tả trung thực, còn tranh vẽ kích thích trẻ tưởng tượng phong phú hơn rất nhiều.

- Chữ trong sách cần đơn giản, dễ đọc. Tốt nhất là loại chữ in thường, chân phương, cỡ chữ to. Các loại chữ in cầu kì hoa hoét sẽ làm chúng rối mắt và khó nhớ mặt chữ. Câu văn cần ngắn gọn, đúng mô thức câu, cái này để giúp trẻ dễ nhớ, dễ bắt chước, từ đó hình thành cho trẻ thói quen sử dụng ngôn ngữ đúng. Hơn nữa, có ngắn gọn thì chúng ta mới dễ nhớ, dễ kể lại bằng miệng trong những lúc không có “bảo bối” trong tay.

- Nếu là sách kĩ năng, ưu tiên những sách có thiết kế bất ngờ, kiểu sách ghép, sách ú oà (lift the flap), sách tương tác với bé và mẹ được. 

Phần tiếp theo: Mua và tặng sách như thế nào? Làm thế nào để đọc sách cùng trẻ?